3 lưu ý khi quản lý nhà hàng khách sạn
Nhà hàng là một trong những dịch vụ không thể thiếu khi kinh doanh khách sạn. Nhà hàng khách sạn là nơi phục vụ nhu cầu ăn uống của khách hàng trong thời gian họ lưu trú tại khách sạn hoặc nơi tổ chức sự kiện: đám cưới, hội nghị, sinh nhật,… Không những tăng doanh thu cho khách sạn, nhà hàng còn là nơi thu hút và tạo nên sự khác biệt của khách sạn. Chính vì vậy, yêu cầu của đội ngũ nhân viên nhà hàng khách sạn là vô cùng khắt khe, đặc biệt là quản lý nhà hàng khách sạn.
Quản lý nhà hàng khách sạn, họ là ai?
Là người bao quát tất cả các vấn đề của nhà hàng từ việc tuyển nhân viên, đào tạo, phân công công việc, cho đến thực đơn nhà hàng, quản lý, giám sát công việc của từng bộ phận: order, bếp, thu ngân, bar,… Tuy nhiên, điều quan trọng và cần đặt lên hàng đầu là khâu mua bán nguyên vật liệu, doanh thu và trang thiết bị của nhà hàng.
Những lưu ý khi quản lý nhà hàng khách sạn
1.Thu mua nguyên vật liệu
Khi khách du lịch đến lưu trú tại khách sạn của bạn, ngoài việc tận hưởng không gian nghỉ ngơi sang trọng, thoải mái, họ còn muốn được thưởng thức những món ăn ngon của nhà hàng. Những món ăn ngon và đảm bảo là yếu tố giúp khách sạn thu hút và giữ chân khách hàng. Để tạo nên những món ăn ngon miệng và bổ dưỡng, bên cạnh bàn tay “ma thuật” của đầu bếp thì nguyên liệu đầu vào là yếu tố không thể xem nhẹ. Chính vì vậy, khi lựa chọn nhà cung cấp, người quản lý nhà hàng phải tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc của nguyên liệu, quy trình nuôi trồng để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và an toàn nhất.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra chất lượng của nguồn nguyên liệu nhập vào được nhân viên quản lý kho hỗ trợ những nhà quản lý vẫn phải xem xét chi tiết những báo cáo của họ và kiểm tra đột xuất nguyên liệu để có những nhận định chính xác. Để tránh những trường hợp thủ kho bòn rút thực phẩm hay ăn chênh lệch với nhà cung cấp. Điều này đồng nghĩa với việc giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu nhập vào, đảm bảo chất lượng sản phẩm là điều mà người quản lý cần quan tâm hàng đầu.
Muốn làm được như vậy, nhà quản lý cần xây dựng và triển khai những quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt, thường xuyên kiểm tra công việc thực tế của mỗi nhân viên, đặc biệt là đưa ra các quy định xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
2.Kiểm soát doanh thu chặt chẽ
Nhà hàng là một trong những bộ phận mang lại doanh thu lớn cho khách sạn. Để đảm bảo nguồn doanh thu này, nhà quản lý nhà hàng khách sạn cần đảm nhận vai trò là của một kế toán viên, kiểm tra doanh thu hàng ngày, đối chiếu với số tiền thực tế trên hóa đơn và thu ngân giao lại.
Đồng thời, việc theo dõi chặt chẽ doanh thu mỗi ngày sẽ giúp nhà quản lý biết được món ăn nào được thực khách gọi nhiều, món nào ít được yêu cầu, từ đó có sự điều chỉnh thực đơn cho phù hợp. Một trong những cách quản lý hoạt động kinh doanh của nhà hàng là sử dụng phần mềm quản lý thay vì sổ sách.
Tuy nhiên, để có thể quản lý hiệu quả, người quản lý cần có chuyên môn nghiệp vụ cao, có sự hiệu biết về tài chính, nhân sự. Đặc biệt, nhà quản lý phải có kỹ thuật tổ chức, quản lý tốt, biết phân công, sắp xếp công việc một cách hợp lý. Kiểm soát tốt nhân viên, để họ làm việc và thực hiện đúng quy định đã được đề ra.
3.Trang thiết bị
Tất cả các vật dụng, đồ dùng và trang thiết bị là những yếu tố cần thiết giúp quá trình vận hàng nhà hàng khách sạn được trơn tru. Chính vì vậy, việc kiểm tra giám sát thường xuyên cơ sở vật chất của nhà hàng là điều cần thiết để có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp. Việc kiểm kê tài sản định kỳ và kiểm tra mức độ sử dụng của các trang thiết bị trong nhà hàng giúp phát hiện những vật dụng bị hao hụt, hư hỏng và bổ sung hay tiến hành bảo dưỡng kịp thời.
Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng phải xây dựng những quy định cho trường hợp nhân viên hay khách hàng làm hỏng vật dụng trong nhà hàng.
Phải nói rằng vị trí nhà quản lý không phải dễ dàng, tích hợp đầy đủ những kỹ năng cũng như sự nhanh nhạy. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người quản lý nhà hàng khách sạn, 3 yếu tố trên bạn không thể bỏ qua. Chúc các bạn thành công!
Social